Nhà ở xã hội: Ít ỏi, khó mua

22/12/2016 08:44

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, UBND các tỉnh, thành phố phải xác định lo nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp là nhiệm vụ trọng tâm

Ngày 7-12, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải thúc đẩy phát triển quỹ nhà ở xã hội, đặc biệt quan tâm đến nhà ở cho công nhân - một vấn đề bức xúc hiện nay.

Thủ tục hành chính rườm rà gây cản trở

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết từ năm 2009 đến nay, cả nước đã xây dựng 179 dự án nhà ở với 71.150 căn hộ, tương đương khoảng 3,7 triệu m2, tổng mức đầu tư 25.900 tỉ đồng (97 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, 82 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp)… Ông Hà thừa nhận chương trình hỗ trợ nhà ở triển khai chậm, mới đạt 28% so với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và KCN đến năm 2020 đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ).

Qua giám sát một số chương trình nhà ở xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ việc triển khai nhà ở xã hội chậm có nguyên nhân chính là do thủ tục hành chính rườm rà. “Có rất nhiều cơ chế khiến doanh nghiệp (DN) rất khó chịu, như các thủ tục về vốn, đất đai, xây dựng… quá “nhiều cửa”! Nhà đầu tư đi làm phúc lợi xã hội mà nhiều thủ tục đè quá thì làm thế nào được” - ông Lợi thẳng thắn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội Ảnh: QUANG HIẾU

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội Ảnh: QUANG HIẾU

Là người trong cuộc, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân (TP HCM), cho rằng rào cản của các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chính là thủ tục hành chính. Ông dẫn chứng thủ tục xây nhà ở xã hội gấp 2 lần làm nhà ở thương mại, trong đó có các thủ tục về đất đai, quy hoạch, đặc biệt là thủ tục giải ngân và thanh tra, kiểm tra vì liên quan đến nguồn vốn ngân sách. “Để tạo động lực và khuyến khích DN, cần giảm thủ tục làm nhà ở xã hội như nhà ở thương mại” - ông Tuấn nhìn nhận.

Theo đại diện Công ty Địa ốc Hoàng Quân, do đối tượng mua nhà chủ yếu là các hộ nghèo cần vay hỗ trợ nên họ thường gặp khó khi chứng minh đủ điều kiện trả nợ cho ngân hàng. Đây là một rào cản mà DN này mong Thủ tướng và Chính phủ xem xét.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng cái khó là khả năng mua nhà của người dân còn hạn chế. Phó Thủ tướng dẫn chứng 80% người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội đều cần sự hỗ trợ thì mới mua được nhà; chỉ 20% có khả năng tự lo, tự chi trả được. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Đình Dũng, nguồn lực đất đai, tài chính, tín dụng là rất dồi dào, kể cả một phần tiền trong dân cũng có.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất về một chương trình hỗ trợ lãi suất, chứ không thể để dự án nhà ở xã hội có lãi suất vay cao như hiện nay. “Nên dành một phần ngân sách chính thức từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN (5 triệu tỉ đồng) để lo vấn đề này và cần hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam góp ý.

Thong ke